Sơn chống nóng (sơn cách nhiệt) là một trong những loại sơn được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam những năm gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu. Loại sơn này được quảng cáo có thể giúp giảm tới hàng chục độ C.
Liệu tác dụng của sơn chống nóng có hiệu quả đúng như tên gọi? Lựa chọn và sử dụng sơn như thế nào? Để góp phần giải đáp những thắc mắc đó, bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết cơ bản nhất về sơn chống nóng.
Hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến nhiệt độ thời tiết ngày càng tăng cao, nhất là vào mùa hè. Để làm mát nhà, hầu hết mọi người đều sử dụng quạt, lắp điều hòa... Thế nhưng, giải pháp này đôi khi không mấy hiệu quả bởi nhiệt độ càng cao khiến máy móc làm việc quá công suất sẽ dẫn tới hư hỏng, tốn kém chi phí bảo trì, thậm chí là thay mới. Vậy có giải pháp bền vững hơn?
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các hãng sơn trên thị trường đều chạy đua cải tiến sản phẩm của mình sao cho ưu việt hơn. Các thương hiệu luôn luôn chú trọng tới khả năng chống nóng của sơn. Theo đó, sơn chống nóng ra đời và ngày càng trở nên thịnh hành.
Sơn chống nóng là gì?
Sơn chống nóng hay còn được gọi là sơn cách nhiệt. Trong thành phần của sơn chứa các chất tạo màng có khả năng cách nhiệt và phản xạ lại ánh sáng trực tiếp từ mặt trời. Do đó, loại sơn này thường được sơn trên các bề mặt tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời như mái tôn, sân thượng, tường ngoại thất... giúp giảm nhiệt độ, làm mát nhà. Sơn cách nhiệt không phân lớp, có thể phun trực tiếp lên bề mặt của mái tôn, sàn mái hoặc tường ngoại thất.
Việt Nam có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với mùa hè nắng nóng gay gắt. Thế nên, ngoài quạt, điều hòa không khí, việc sử dụng sơn chống nóng cho ngoại thất nhà ở là điều vô cùng cần thiết, giúp cách nhiệt, giảm hấp thụ nhiệt từ môi trường bên ngoài một cách tối đa nhất có thể.
Ngoài chức năng chính, lớp sơn chống nóng còn mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao
Ưu điểm vượt trội của sơn chống nóng:
Hiện nay, sơn chống nóng được rất nhiều gia đình tin dùng bởi nhiều ưu điểm vượt trội mà nó mang lại trong việc cách nhiệt, giảm nhiệt cho ngôi nhà vào mùa hè nắng gắt.
Sơn chống nóng có khả năng làm giảm nhiệt độ bề mặt và bên trong ngôi nhà khoảng từ 10-26 độ C nếu sử dụng 2 lớp sơn cùng lúc. Đồng thời, đây cũng là loại sơn giúp rút ngắn thời gian thoát nhiệt của công trình ngay khi trời hết nắng. Nhờ đó, các thành viên gia đình sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn trong sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào cấu trúc của ngôi nhà mà bạn cảm nhận được hiệu quả chống nóng khác nhau. Với những căn nhà có mái thấp, bạn sẽ cảm nhận được hiệu quả rõ ràng hơn.
Sử dụng sơn chống nóng chất lượng giúp ngôi nhà mùa hè thoáng mát hơn và tiết kiệm được chi phí cho năng lượng điện làm mát.
Sơn cách nhiệt có khả năng làm giảm tác động của ánh nắng mặt trời lên bề mặt ngoại thất nên bề mặt này sẽ bền đẹp hơn. Sơn được sử dụng trên bề mặt các loại vật liệu khác nhau từ ngói, bê tông đến kim loại, chống được gỉ sét, kháng nước hoặc hóa chất cao, chống thấm hiệu quả, chống rêu mốc, bám bẩn, bảo vệ công trình khỏi tác động của thời tiết và môi trường... từ đó giúp tăng tuổi thọ của công trình.
Với tính năng giảm nhiệt hiệu quả nêu trên, sơn chống nóng còn giúp gia chủ tiết kiệm chi phí cho điện năng tiêu thụ vào việc làm mát nhà thông qua các thiết bị như quạt, máy điều hòa nhiệt độ. Như vậy, loại sơn này mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài, giúp tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất.
Thực tế cho thấy, việc thi công sơn chống nóng cho nhà ở rất tiện lợi, dễ dàng và nhanh chóng. Thậm chí, nếu diện tích nhỏ thì chủ nhà hoàn toàn có thể tự làm được. Bạn chỉ cần mua sơn rồi dùng cọ hoặc con lăn phủ 1-2 lớp lên bề mặt mái tôn, tường, sân thượng... Đơn giản hơn, bạn hãy phun sơn trực tiếp lên bề mặt cần chống nóng là được. Lưu ý, trước khi sơn, cần vệ sinh sạch sẽ bề mặt để đạt hiệu quả chống nóng cao nhất.
Hầu hết các loại sơn chống nóng hiện nay đều thuộc hệ nước, không chứa dung môi và chất độc hại. Sơn cách nhiệt cũng không chứa thủy ngân, không chứa chì, không cháy, đảm bảo an toàn cho cả người thi công lẫn người sử dụng.
Ngoài ra, việc đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng cũng là điểm cộng của sơn chống nóng. Bạn có thể sử dụng loại sơn này cho những bề mặt thường xuyên chịu tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời như tôn (mái hoặc vách đứng), tường (vữa, bê tông), vách bê tông, xi măng.
Phần lớn các loại sơn chống nóng hiện nay đều có hai dạng đặc trưng là dạng gốc dầu và dạng gốc nước. Trong đó, sơn chống nóng dạng gốc nước được sử dụng rộng rãi hơn bởi hiệu quả cao, thi công dễ dàng, nhanh chóng. Tùy vào nhu cầu sử dụng và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình để lựa chọn sơn chống nóng đảm bảo chất lượng với giá thành phải chăng.
Thị trường hiện có 3 thương hiệu sơn chống nóng thông dụng nhất là sơn Kova, sơn Joton Thermal shield và Sơn shield Kote....
Để sử dụng sơn chống nóng hiệu quả, bạn cần chọn được loại sơn phù hợp với điều kiện cụ thể của công trình và thi công đúng cách.
Nguồn: Tham khảo